Bánh chưng gù thường xuất hiện trong những dịp lễ, tết và những ngày trọng đại. Gọi là “bánh gù” vì sự khác biệt về hình dạng. Thay vì hình vuông thì đây là phiên bản “gù”. Đặc biệt cách chế biến vô cùng độc đáo, đó là sự kết hợp của một lớp nhân mỡ, đậu xanh và gạo nếp. Được gói bằng lá dong rừng, dùng lạt buộc chặt sau đó luộc nhừ bằng bếp củi.
Bánh chưng gù là sự kết hợp của một lớp nhân thịt mỡ, đậu xanh và gạo nếp
Bánh chưng gù có nguồn gốc từ đâu?
Bánh chưng gù Hà Giang là món ăn nổi tiếng của đồng bào người Tày. Điểm đặc biệt của bánh chưng gù nơi đây chính là tên gọi. Tên gọi độc đáo mang nét đẹp văn hóa, tôn vinh người phụ nữ vùng cao chăm chỉ, cần cù. Bánh gù tượng trưng hình ảnh người phụ nữ đeo gùi trên lưng. Họ vượt đèo, làm nương rẫy, địu ngô, địu lúa trên vai. Vì vậy chiếc bánh có ý nghĩa ca ngợi sự chăm chỉ của người phụ nữ nơi đây.
Bánh chưng gù có nguồn gốc từ sự tích “Bánh chưng, bánh giầy” kết hợp với văn hóa và điều kiện sống của con người bản địa. Bánh gù rất độc đáo ý nghĩa và có kích thước nhỏ gọn. Nguyên liệu chính dùng bằng gạo nếp nương, đậu xanh, thịt lợn và được gói bằng lá dong rừng. Bánh chưng gù khi luộc chín ăn rất mềm, ngon, béo ngậy. Bánh chưng gù đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Hà Giang.
Nguyên liệu để làm nên chiếc những bánh chưng gù ngon nhất
Để có được những chiếc bánh gù ngon nhất, chúng ta cần chuẩn bị nguyên liệu chính như sau:
Gạo nếp:
Gạo nếp nương thành phần chính không thể thiếu khi gói bánh gù
Đây là thành phần chính của bánh chưng gù. Gạo nếp được sử dụng phải là gạo nếp nương, hạt to mẩy dẻo gói bánh mới ngon. Gạo nếp là lớp ngoài cùng của chiếc bánh, gọi là lớp vỏ bánh.
Đỗ xanh:
Là một phần quan trọng của nhân bánh chưng gù. Bạn say cho hạt đỗ tách đôi, ngâm nước ấm 40° trong 2 giờ cho mềm và nở, đãi sạch vỏ, vớt ra để ráo. Đỗ xanh thường được hấp hoặc đồ chín. Sau đó dùng đũa cả đánh thật tơi đều mịn rồi chia ra theo từng nắm. Mỗi chiếc bánh chưng được gói với một nắm đậu xanh nhỏ.
Thịt lợn ba chỉ:
Thịt lợn ba chỉ không thể thiếu trong phần nhân của bánh chưng gù. Thịt được cắt mỏng thành miếng dài khoảng 2-3cm. Thịt được ướp sẵn với các gia vị để tạo nên phần nhân của bánh.
Gia vị:
Hạt tiêu xay, muối trắng, bột ngọt là gia vị không thể thiếu trong món bánh chưng gù. Gia vị này được sử dụng để nêm nếm nhân bánh chưng gù để tạo ra hương vị đặc trưng.
Bột tạo màu đen của bánh:
Dùng rơm của lúa nếp nương để tạo màu đen cho bánh chưng. Khi thu hoạch nếp nương, người dân cắt từng bông nếp. Sau đó buộc thành bó phơi khô. Khi dùng đến gạo nếp thì đi tuốt hoặc giã bằng tay để tách hạt thóc nếp ra khỏi rơm. Rơm này cất lại để sử dụng khi gói bánh chưng đen. Cách thực hiện như sau: Đốt khoảng 2 bó rơm nếp thành tro để nguội, rồi đem giã thành bột thật mịn. Bạn có thể giã nhỏ hoặc dùng máy xay sinh tố để xay mịn sau đó trộn đều với gạo nếp để tạo màu đen cho bánh.
Cách tạo màu xanh cho bánh:
Để bánh chưng gù nhìn bắt mắt hơn, thay vì màu đen truyền thống, bạn có thể tạo màu xanh cho bánh. Bạn sử dụng bằng lá dứa hoặc lá riềng xay lấy nước để ngâm gạo. Đây là những phương pháp tạo màu thủ công. Được dùng từ cây trồng tự nhiên, không dùng chất tạo màu nên bánh đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Gói bánh chưng xanh có khó không?
Bánh chưng xanh được tạo màu bởi lá riềng tự nhiên
Để có được những chiếc bánh chưng gù có màu xanh đẹp nhất đòi hỏi một chút kỹ năng riêng. Phần chuẩn bị nguyên liệu cũng là khâu quan trọng quyết định nên sự thành công của chiếc bánh. Bạn cần thực hiện như sau:
Lá dong: Sau khi mua lá về rửa sạch. Xếp lá đều nhau sau đó cắt đầu, đuôi lá phù hợp với kích thước bánh.
Gạo nếp: Vo sạch, sau đó ngâm với nước riềng xay khoảng 1 tiếng. Vớt ra rổ để ráo nước. Đong gạo bằng 1 chén nhỏ uống nước, đặt một lớp gạo nếp vào trung tâm lá dong. Thêm một lớp nhân đậu xanh và thịt vào giữa. Tiếp tục đong 1 chén gạo nếp phủ lên phần nhân vừa thực hiện.
Gói bánh: Gập các mép lá dong lên lại, sau đó gập ngược đầu lá lại. Cố định bằng tay không để gạo và nhân rơi ra ngoài. Dùng lạt giang để buộc chặt bánh lại. Đảm bảo bánh được gói chắc chắn để tránh rò rỉ trong quá trình nấu.
Luộc bánh: Xếp bánh chưng xanh vào nồi. Để nước ngập bánh, đun sôi từ 6 đến 8 giờ. Trong quá trình luộc bánh, bạn có thể kiểm tra và bổ xung lượng nước. Đảm bảo nước luôn ở mức đủ để bao phủ bánh trong suốt quá trình nấu.
Bảo quản bánh chưng gù như thế nào đúng cách?
Trong quá trình luộc bánh, bánh sẽ có nhựa bám xung quanh lá dong. Thường thì khi nấu chín, bạn vớt bánh ra thả vào chậu nước lọc, hoặc nước đun sôi để nguội để rửa bánh. Sau đó treo tại nơi thoáng mát giúp bánh khô ráo hoàn toàn. Bạn có thể để bánh trong điều kiện thường khoảng 3-5 ngày. Tuy nhiên khi bảo quản ở nhiệt độ thường còn tùy thuộc vào khâu gói bánh có buộc chặt không, khâu vò gạo kỹ không và điều kiện khí hậu ở từng nơi. Ví dụ nơi có khí hậu mát mẻ thời gian để được lâu hơn những nơi nắng nóng gay gắt.
Khi bánh chín rửa bánh để làm sạch nhựa bám xung quanh lá dong
Bạn bảo quản trong tủ lạnh: Có thể để bánh trong ngăn đông tủ lạnh trong thời gian trên 1 tháng. Hoặc để trong ngăn mát tủ lạnh để sử dụng trong vài ngày. Đây là cách bảo quản bánh tốt nhất được sử dụng thường xuyên.
Bảo quản bằng túi hút chân không: Cách này phù hợp cho những gia đình có máy hút chân không. Sử dụng cách này có thể vận chuyển bánh đi xa. Bánh bảo quản từ 5-10 ngày ở điều kiện bình thường, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết địa phương.
Bánh chưng gù không chỉ ngon và độc đáo từ hương vị mà còn ca ngợi hình ảnh người phụ nữ. Hơn thế nữa, bánh gù còn thể hiện được những nét đẹp văn hoá của đồng bào vùng cao ở Hà Giang. Ngoài món bánh chưng gù đặc sản này, còn rất nhiều loại bánh và các sản phẩm đặc trưng và độc đáo khác. Các bạn hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của Ha Giang Foods để khám phá nhé!