Người Tày với truyền thống trồng lúa nước, họ sống với nhau trong một gia đình có nhiều thế hệ. Người Tày có bản sắc văn hóa riêng biệt không giống như dân tộc khác. Ẩm thực dân tộc Tày cũng rất đặc biệt, những món ăn dân giã lại trở thành đặc sản quý, khiến mọi người ăn một lần là nhớ mãi.
Khám phá những món ăn đặc sắc của ẩm thực người Tày Hà Giang
Ẩm thực dân tộc Tày Hà Giang đậm đà bản sắc văn hóa người Việt
Ẩm thực người Tày không cầu kỳ mà khá đơn giản. Món ăn truyền thống của họ đều là các loại rau rừng, thú rừng. Đặc sản rừng núi có thể kể đến như: Rau dớn rừng, măng rừng, cá suối, chim thú, rêu suối… Được chế biến hoàn toàn đơn giản chứ không cầu kỳ. Những món ăn như cơm lam, măng chua nấu cá, thịt gà, thịt trâu gác bếp… Các loại thức uống như: Rượu ngô, rượu chuối rừng, rượu ngâm với các loại quả rừng… Ngoài ra, người Tày còn dùng lá nhân trần, lá vối, nụ vối, chè xanh, chè khô…để pha nước uống.
Ngày xưa, bà con dân tộc Tày dùng nước nguồn tự nhiên từ khe suối để ăn uống. Ngày nay họ đã biết đào giếng hoặc sử dụng nước sạch. Những dịp lễ tết như ngày tết đoan ngọ mùng 5/5, rằm tháng 7 âm lịch, tết âm lịch… Người Tày thường làm xôi ngũ sắc và các loại bánh chuối, bánh rợm và bánh chưng gù để cúng tổ tiên. Đây là một trong những một trong những món đặc sắc và giữ được bản sắc văn hóa truyền thống được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Ẩm thực dân tộc Tày gồm những món gì?
Thịt trâu gác bếp– Món ăn không thể thiếu khi nhắc đến ẩm thực dân tộc Tày
Những con trâu thả rông trên các sườn đồi núi cao. Khi mổ thịt, dân bản sẽ chọn những miếng thịt ngon nhất để làm thịt trâu treo gác bếp. Thịt được cắt từng miếng dài khoảng 20-30cm, độ dày của thớ thịt khoảng 3-5cm. Sau đó tẩm ướp với các loại gia vị như: Hạt dổi, mắc khén, muối, tiêu, ớt… Sau thời gian ướp khoảng 2 -3 giờ các nam thanh niên chuẩn bị sẵn các thanh treo, xiên thịt rồi treo lên gác bếp.
Sau 3-5 ngày thịt đã se lại và có thể chế biến được nhiều món ăn. Bạn có thể xào với tỏi, gọi là món trâu héo xào tỏi, măng chua hoặc lá lốt… Bạn có thể treo thêm vài tuần để thịt khô kỹ. Món ăn này có một vị rất đặc trưng đó là vị cay, thơm từ các loại rau gia vị, hòa quyện với mùi thơm của thịt trâu. Có thể nói đây là một trong những đặc trưng không thể thiếu khi nói đến ẩm thực dân tộc Tày.
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc được làm từ gạo nếp nương với 5 màu khác nhau. Các màu trắng, xanh, đen, đỏ, vàng tương ứng với kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Để làm nên 5 màu sắc này cho món xôi, người Tày sử dụng bằng nguyên liệu tự nhiên để tạo màu.
Xôi ngũ sắc được làm từ gạo nếp nương và các loại cỏ tạo màu
Xôi vàng được tạo màu từ củ nghệ tươi. Phần xôi có màu xanh được làm từ các loại lá cây như: lá gừng, lá dứa,… Phần xôi màu đen lại được làm từ lá sấu giã nhỏ lọc lấy nước. Trong mỗi khu vườn người Tày đều có một góc nhỏ trồng các loại lá đỏ, lá tím để nhuộm màu gạo. Màu tím và màu đỏ cũng được nhuộm bằng các loại lá vườn nhà.
Màu trắng là màu nếp không cần nhuộm thêm gì, bạn chỉ cần ngâm và đồ thôi. Khi đã nấu đủ 5 loại xôi, người ta xếp vào khuôn sao cho 5 món xôi cùng được đặt trên một chiếc đĩa. Xôi ngũ sắc có vị thơm ngon đặc trưng của ẩm thực dân tộc Tày. Hơn nữa, các loại lá cây rừng để nấu xôi ngũ sắc còn có thể chữa một số bệnh liên quan đến đường ruột. Tuy nhiên bạn cần lưu ý khi đồ xôi các màu lẫn nhau bạn phải dùng lá chuối hoặc lá dong ngăn không để lẫn màu.
Bánh gio
Bánh gio là món ăn không thể thiếu ẩm thực dân tộc Tày. Người Tày chế biến loại bánh này bằng cách đốt các loại thân cây như: cây sấu, cây tầm gửi,… Sau đó lấy gio ngâm nước lọc lấy nước gio. Sau đó họ dùng loại gạo nếp cái ngâm một đêm trong nước gio. Sáng hôm sau đổ ra hong cho ráo nước rồi gói bằng lá dong.
Bánh được đun khoảng 4-5 tiếng, cho ráo nước thì có thể sử dụng ngay. Bánh gio có vị thanh mát, dịu ngọt của gạo nếp hòa quyện với hương lá dong. Đây là món ăn mà từ người già đến trẻ nhỏ đều khó lòng mà cưỡng nổi.
Cơm lam
Cơm lam là món ăn được làm từ gạo nếp. Gạo sau khi ngâm được cho vào trong ống tre, giang, hoặc nứa. Tiếp đó đậy nắp để đem nướng trên bếp khoảng 1 tiếng. Khi cơm chín thì bắt ra chờ cho cơm nguội rồi thưởng thức. Mùi thơm của ống tre, vị béo ngậy của cơm nếp trong món cơm lam này chắc chắn sẽ khiến bạn muốn thưởng thêm nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, du khách đến với Hà Giang sẽ được thưởng thức các loại đặc sản núi rừng. Rau rừng rất sạch và không có tác động của con người cũng như phân bón, thuốc trừ sâu. Rau rừng có chút độc đáo từ mùi vị phải kể đến như: Rau ngũ gia bì, rau dớn, rau đắng hay còn gọi là giảo cổ lam, rau bò khai, rau rút, rau ngót rừng… Các loại rau rừng này khi thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.
Bánh chuối
Bánh chuối là món ăn đặc sản trong danh sách ẩm thực dân tộc Tày
Mặc dù bánh chuối là món ăn phổ biến mà chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi. Tuy nhiên, bánh chuối của người Tày ở Hà Giang lại có một hương vị đặc biệt. Đây là món ăn đặc sản trong danh sách ẩm thực dân tộc Tày. Dân tộc Tày Hà Giang làm bánh chuối vào ngày rằm tháng 7. Vì bánh chuối dễ ăn và được nhiều người ưa chuộng nên hiện nay có bán ở các điểm chợ phiên của các xã. Bánh chuối có thể làm theo yêu cầu khách đặt, có nhân hoặc không có nhân. Đây là món ăn phù hợp với khẩu vị của mọi lứa tuổi. Vì vậy, đến du lịch Hà Giang du khách có thể mua bánh về làm quà tặng người thân, bạn bè.
Ẩm thực dân tộc Tày Hà Giang còn rất nhiều món ăn ngon và hấp dẫn. Hãy theo dõi HaGiang Foods để cập nhật nhiều món ăn ngon lạ miệng. Đây sẽ là địa chỉ kết nối những điểm du lịch Hà Giang đầy thú vị.
Chia sẻ nếu bạn thấy hữu ích: